Lịch sử trà Oolong

Trà Oolong (Olong, Ô Long, wulong cha, black dragon tea) có nghĩa là rồng đen, do từ xưa mới chế biến ra Trà Olong có hình giống con rồng, nhưng trong quá trình vận chuyển làm cho sản phẩm bị dập nát, đứt gãy nên người Đài Loan đã phát triển quy trình chế biến hiện đại vo thành viên tròn như hiện nay.

Trà Oolong là một giống trà quý có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng nhiều ở Phúc Kiến, Quảng Đông và nổi tiếng nhất ở Đài Loan. Oolong được mệnh danh là vua của các loại trà, ngày trước chỉ dùng cho vua và giới quý tộc.

Có một truyền thuyết về nguồn gốc của Oolong, dưới triều đại nhà Thanh, có một người nông dân trồng trà ở Phúc Kiến đang thu hoạch trà, ông nhìn thấy một con nai và ông đã quyết định đi săn con nai thay vì chế biến lá trà đã hái. Mãi cho đến ngày hôm sau, ông mới nhớ ra rằng ông cần phải chế biến trà đã hái hôm trước. Tuy nhiên vào thời điểm đó một phần của lá trà đã bị oxy hóa một phần, và điều đặc biệt là trà đã tỏa ra một thứ hương thơm kỳ lạ. Ông rất ngạc nhiên khi thấy rằng trà được pha có mang một hương vị ngọt ngào mạnh mẽ hoàn toàn mới, mà không có bất kỳ vị đắng nào như trà thường được sản xuất trước đây. Biệt danh của ông là Oolong, từ đó loại trà mới được mang tên ông.

Trà Oolong trước kia vốn chỉ sản xuất ở Trung Quốc tại ba tỉnh Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông. Phân thành 4 loại: trà núi đá Vũ Di (Bắc Phúc Kiến), trà Thiết Quan Âm An Khê (Nam Phúc Kiến), trà Oolong Đài Loan và Pao Chửng. Sau năm 1985, thời kỳ kinh tế mở cửa ở Việt Nam, nhiều Công ty trà Đài Loan đã vào Miền Nam và Miền Bắc để sản xuất trà Oolong tại các tỉnh: Lâm Đồng, Hà Tây, Mộc Châu, Yên Bái… Giống trà Oolong cao cấp chỉ phù hợp với vùng cao nguyên có khí hậu ôn đới, đồng thời đòi hỏi một quy hình công nghệ sạch từ khâu chăm sóc đến chế biến. Khí hậu thổ nhưỡng, giống cây trồng và kỹ thuật chế biến là nền tảng để đạt được thành phần dược chất và hương vị của trà. Từ những búp non “một tôm hai lá” của các giống trà Oolong, Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc, Thanh Tâm… trải qua quy trình sản xuất bán lên men, dù không được ủ ướp bất kỳ hương liệu nào nhưng trà Oolong vẫn mang lại cho người thưởng thức một hương vị thom ngon tự nhiên vô cùng đặc sắc.

Có thể nói Lâm Đồng, Đà Lạt là vùng đất phù hợp nhất với giống trà Oolong này, bởi khí hậu tự nhiên cao trên 1200m so với mặt nước biển và thổ nhưỡng ở đây có thể cho ra những sản phẩm Oolong hảo hạng không thua kém gì trà Oolong được trồng trên các vùng núi cao của Đài Loan, Trung Quốc.